LIỆU PHÁP NẤU ĂN: CÁCH LY XÃ HỘI, Ở NHÀ VẪN VUI!

Theo ThS. PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN, liệu pháp nấu ăn bao gồm vô vàn các hoạt động liên quan đến việc nấu nướng và chế biến thức ăn, từ việc trồng rau, chuẩn bị bữa ăn, đi chợ cho đến việc trải nghiệm các món ăn ở nhà hoặc trong nhà hàng.

Trong số các hoạt động nấu ăn thường nhật, việc vào bếp làm bánh hay đơn giản pha một món nước lạ miệng đều mang lại những tác động tích cực. Các hoạt động này được xem như là cơ hội thư giãn, và quây quần bên người thân, bạn bè. Đây không chỉ là một công việc hàng ngày, mà nó còn giúp con người đảm bảo sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần và rèn luyện được nhiều kỹ năng cần thiết. Hãy cùng Rich’s điểm qua những lợi ích mà liệu pháp này mang lại nhé:

  1. 1. Nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần

Theo báo cáo khoa học được công bố trên tạp chí Wall Street Journal, giới bác sĩ tâm lý thừa nhận việc nấu ăn và làm bánh như những công cụ mới có thể được ứng dụng để hỗ trợ con người vượt qua những vấn đề tâm lý như trầm cảm và rối loạn âu lo. Theo báo cáo, các khóa học nấu ăn và làm bánh đã giúp bệnh nhân “giảm căng thẳng, xua tan những suy nghĩ tiêu cực và cảm thấy tự tin.”

Những hoạt động này giúp làm dịu sự căng thẳng hoặc ưu tư nhờ tính chất “định hướng con người theo một mục tiêu đã được định sẵn và đập tan sự trì hoãn”. Người tham gia có cảm giác như mình vừa gặt hái và được thưởng xứng đáng sau khi hoàn thành mục tiêu. Hiệu ứng tích cực này đặc biệt thể hiện rõ rệt khi những người tham gia lớp học nấu ăn, làm bánh và pha chế chia sẻ thành quả với nhau. Quá trình chuẩn bị nguyên liệu, chế biến, và thưởng thức chính là liệu pháp tinh thần của mỗi người. Những khi tập trung, tâm trí chúng ta sẽ không còn thời gian để nghĩ về những chuyện buồn hay âu lo về tương lai nữa.


(Ảnh 1: Thưởng thức món ngon cũng là liều thuốc tinh thần hiệu quả)

  1. 2. Khơi nguồn cảm hứng sáng tạo

Một nghiên cứu được thực hiện ở Học viện Newport - trung tâm cai nghiện dành cho thanh thiếu niên ở bang Connecticut (Mỹ): các học viên được yêu cầu tham gia học làm bánh và nấu ăn như một liệu pháp giúp kiểm soát cơn nghiện cũng như các hành vi tiêu cực. Người bếp trưởng phụ trách là Patricia DAlessio; cô hướng dẫn cho các học viên cách tự chế biến và thiết kế những chế độ ăn bổ dưỡng từ chính những loại thực phẩm mà các em yêu thích. Cô DAlessio kể rằng các học viên rất thích thú với khóa học; từ những sự chỉ dẫn ban đầu, các em nhanh chóng thành thạo các kỹ thuật chế biến thức ăn cơ bản, tự sáng tạo ra những khẩu phần ăn của riêng mình. Vừa phù hợp với sở thích vừa đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, nhà phê bình ẩm thực Ellen Kanner cũng đề xuất “Hãy tận dụng những gì đang có, thay vì phải chạy ra siêu thị mua thật nhiều nguyên liệu theo công thức một cách cứng nhắc. Hãy nghĩ đến những hương vị yêu thích, và thử nêm nếm chúng trong nhiều món ăn khác nhau. Những điều này giúp tiết kiệm thời gian và không phải căng thẳng với việc phải nấu sao cho chuẩn, và biến việc nấu ăn thành một trải nghiệm thư thái và đầy ắp niềm vui. Để rồi sau đó, bạn nhận ra rằng mình vừa phát minh ra vài công thức mới vừa ngon lại vừa hợp với khẩu vị bản thân.


(Ảnh 2: Trẻ em cũng có thể thỏa sức sáng tạo bánh đầy màu sắc)

  1. 3. Kết nối mọi người với nhau

Đồng thời, việc vào bếp cùng nhau còn khơi gợi giao tiếp giữa người với người, giúp chúng ta gần gũi và phối hợp với nhau tốt hơn. Theo nhà phê bình Kanner: “Khi bạn và người kia cùng nhau chuẩn bị bữa tối, điều này giúp cho hai người dẹp bỏ mọi sự khác biệt và xung đột vì mục tiêu chung là một bữa ăn thật ngon lành và chất lượng về mặt dinh dưỡng”. Chẳng hạn, nếu bạn và bạn đời có khẩu vị hoặc sở thích ăn uống khác nhau, việc nấu ăn cùng nhau chính là cơ hội để hai người học cách tôn trọng, thấu hiểu hơn. Khi bạn và người ấy cùng hướng đến mục tiêu chung là một bữa ăn ngon lành, bổ dưỡng và ấm cúng, đây chính là một động lực mạnh mẽ giúp cả hai dần dần học cách giao tiếp với nhau hiệu quả hơn, dung hòa những sự khác biệt và đảm bảo mối quan hệ hòa hợp.


(Ảnh 3: Nấu ăn giúp tăng sự gắn kết trong gia đình)

  1. 4. Giúp chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe

Cảm giác vui vẻ khi hoàn thành các món bánh ngon, thức uống độc đáo sẽ là trải nghiệm cần thiết giúp xây dựng và củng cố nhận thức tích cực về bản thân. Theo các nhà tâm lý học, ăn uống được xem là một trải nghiệm tự thưởng cho bản thân, và việc vào bếp cũng vậy. Các hoạt động này rất lành mạnh và tốt cho sức khỏe cả tinh thần lẫn thể chất.

Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả, người vào bếp phải nắm rõ các kiến thức về dinh dưỡng, và vai trò của các chế độ ăn ăn uống khác nhau. Quá trình nghiên cứu các công thức chế biến sẽ đồng thời khiến chúng ta tò mò về hàm lượng dinh dưỡng và công dụng của món ăn/thức uống đó. Từ đó, chúng ta sẽ đưa ra những lựa chọn thích hợp và có trách nhiệm hơn đối với sức khỏe của chính mình và gia đình. Thay vì việc chỉ ăn ở bên ngoài hoặc để người khác nấu thay.


(Ảnh 4: Lựa chọn những nguyên liệu, món ngon tốt cho sức khỏe ví dụ như bánh mỳ thực dưỡng)

Tóm lại, liệu pháp này sẽ giúp chúng ta chăm sóc sức khỏe toàn diện, nhất là trong giai đoạn cách ly xã hội hiện nay khi ai cũng phải ở nhà 24/7. Để biến trải nghiệm vào bếp thành một liệu pháp hiệu quả, hãy chăm chỉ học hỏi các kiến thức quan trọng về dinh dưỡng và tìm mua những nguyên liệu có chất lượng, cũng như rèn luyện những kỹ năng liên quan đến việc hình thành một mối quan hệ tích cực giữa bản thân với việc ăn uống bạn nhé.

Nếu yêu thích nấu ăn, làm bánh và pha chế, hãy ghé thăm kênh Youtube của Rich Products Vietnam để xem các video hướng dẫn và thực hành ngay nhé!

 

Rich Products Vietnam tổng hợp.

Các thông tin khác